Weak Hero Class 2 (Người Hùng Yếu Đuối 2) ra mắt ngày 25/4 vừa qua, tiếp nối câu chuyện của Yeon Si Eun (Park Ji Hoon) cậu học sinh từng chiến đấu chống lại bạo lực để bảo vệ bạn bè nhưng không thể cứu được họ.
Mang theo vết thương tâm lý, Si Eun chuyển đến trường trung học Eun Jang và tiếp tục đối mặt với những cuộc bạo lực khốc liệt hơn, với quyết tâm không để mất thêm bất kỳ người bạn nào nữa.
Mùa 1 của Weak Hero Class, phát hành năm 2022 dưới dạng series gốc của nền tảng Wave, gây tiếng vang lớn nhờ khai thác hành trình trưởng thành đầy vết xước của Yeon Si Eun, mối quan hệ giữa các nhân vật, cùng những pha hành động khác biệt, qua đó mở ra hướng đi mới cho thể loại hành động học đường.
Sang mùa 2, bộ phim chính thức “chuyển nhà” sang Netflix và mở rộng quy mô một cách đáng kể.

Nếu như mùa 1 chủ yếu tập trung vào cảm xúc và mối liên kết giữa Yeon Si Eun và hai nhân vật An Su Ho (Choi Hyun Wook) và O Beom Seok (Hong Kyung), thì mùa 2 nhấn mạnh hơn vào các trận chiến hành động và mở rộng thế giới học đường với nhiều góc tối hơn.
Nội dung mùa 2 cũng bám sát nguyên tác webtoon hơn. Dù có một số thay đổi nhỏ trong bối cảnh và tình tiết, nhưng nhân vật và cốt lõi câu chuyện vẫn được giữ nguyên.
Nếu mùa 1 được xem như phần tiền truyện, thì mùa 2 bắt đầu khai thác sâu câu chuyện tại trường Eun Jang — nơi Yeon Si Eun bắt đầu hành trình mới sau biến cố ở ngôi trường cũ.
Những thay đổi so với mùa trước
Mùa đầu tiên của Weak Hero Class đưa người xem vào hành trình trưởng thành của Si Eun, cậu học sinh gương mẫu, trầm lặng, nhưng không có một ngày yên ổn.
Câu chuyện của Si Eun bắt đầu cao trào khi cậu phải chịu đựng sự bắt nạt từ nhóm học sinh cá biệt, buộc cậu phải tìm cách tự vệ và chống lại những kẻ lạm dụng quyền lực. Mặc dù Si Eun là người ít nói và khá giỏi trong việc chịu đựng, nhưng cậu đã không thể đứng im trước những hành động bạo lực này.
Trong suốt mùa đầu tiên, Si Eun kết bạn với nhiều người như Su Ho và Beom Seok.
Song, hành trình của cậu trở nên phức tạp hơn khi bị đe dọa bởi những kẻ đứng đầu trường và chứng kiến sự phản bội đau đớn từ Beom Seok, người bạn mà cậu từng hết lòng bảo vệ.

Beom Seok trở thành điểm nhấn quan trọng trong cuộc sống của Si Eun, khi những hành động của cậu khiến Si Eun phải trả giá đắt, đặc biệt khi Su Ho gần như phải bỏ mạng.
Cảm giác tội lỗi và nỗi đau từ sự phản bội của Beom Seok khiến Si Eun quyết định “trừng trị” những kẻ bạo hành và dẫn đến việc cậu buộc phải chuyển trường.
Kết thúc mùa 1, Si Eun bước vào ngôi trường mới, chạm trán với những cậu bạn “máu mặt” hơn.
Mùa 2 của Weak Hero Class chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của Si Eun khi cậu bắt đầu cuộc sống tại trường mới.
Tuy nhiên, nỗi ám ảnh từ quá khứ vẫn đeo bám Si Eun. Cảm giác tội lỗi về Su Ho khiến Si Eun tiếp tục né tránh bạo lực, kết bạn và chỉ muốn sống một cuộc sống bình yên.
Mặc dù vậy, điều đáng chú ý trong mùa này là sự thay đổi trong cách Si Eun đối mặt với những thử thách từ trong lẫn ngoài.

Si Eun dần kết bạn với những nhân vật mạnh mẽ như Park Hu Min (đội trưởng đội bóng rổ), Go Hyun Tak (vận động viên Taekwondo) và Seo Jun Tae (từng là ‘chân chạy vặt’).
Những người bạn này không chỉ là nguồn động viên tinh thần mà còn là những chiến hữu sẵn sàng cùng Si Eun “vào sinh ra tử”.
Sự thay đổi trên không chỉ mang lại sức mạnh cho Si Eun mà còn thay đổi cách nhìn của cậu về tình bạn và mối quan hệ trong xã hội. Cảm giác không còn đơn độc đã giúp Si Eun mạnh mẽ hơn và sẵn sàng bảo vệ những người bạn mới.
Mùa 2 cũng chứng kiến sự xuất hiện của một tổ chức lớn hơn – “Liên minh”, bao gồm các “tay anh chị” từ nhiều trường khác nhau.


Những kẻ đứng đầu tổ chức này, như Na Baek Jin (Bae Na Ra) và Geum Seong Je (Lee Jun Young), không chỉ sử dụng bạo lực mà còn thông minh và đầy mưu lược. Chúng đe dọa và tạo sức ép cho Eun Jang, bắt trường này phải gia nhập hội.
Đáng lưu ý, “trùm cuối” Na Baek Jin được phác họa là nhân vật có kỹ năng đánh đấm vượt trội và mưu mô. Thế nhưng hắn không chỉ là tên đầu gấu thông thường, mà còn là một phần của tổ chức tội phạm. Từ đó cho thấy, mùa 2 đã mở rộng phạm vi câu chuyện, không chỉ giới hạn ở một trường học mà còn bao gồm thế lực ngầm sẵn sàng phạm tội.
Không còn “đỉnh” với “fan ruột”
Những thay đổi trên làm cho câu chuyện trong mùa 2 trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, một điểm yếu lớn trong mùa này là việc thiếu phát triển trong mối quan hệ giữa Si Eun và những người bạn như Park Hu Min hay Seo Jun Tae.
Mặc dù tình bạn của họ vẫn có giá trị, nhưng mối liên kết cảm xúc không còn sâu sắc như trong mùa đầu tiên.
Bên cạnh đó, sự chuyển mình từ bạn thân thành đối thủ giữa Park Hu Min và Na Baek Jin cũng thiếu sự phát triển hợp lý, cảm xúc chưa được khai thác đầy đủ.



Một điểm yếu nữa là các cảnh hành động trong mùa 2 không còn giữ được sự sáng tạo như trong mùa đầu.
So với mùa 1, chiến thuật tâm lý và cuộc đấu trí của Yeon Si Eun không còn nổi bật.
Trong mùa 1, mỗi lần Yeon Si Eun chuẩn bị cho trận chiến, cậu đều thông qua độc thoại để giới thiệu chiến lược hoặc nhận định về địa hình xung quanh, qua đó tạo ra hình ảnh nhân vật “đấu trí” rõ rệt, mang đến sự thú vị với các pha hành động độc đáo.
Tuy nhiên, trong mùa 2, khi Yeon Si Eun sử dụng vật dụng xung quanh để chiến đấu, cậu không giải thích qua độc thoại như mùa 1 và hầu như không có cảnh nào sử dụng vật dụng ngoại trừ cây bút bi.

Cách thể hiện trên gây ra vấn đề. Chủ đề chính của “Weak Hero” là nhân vật có cơ thể yếu đuối, nhưng vượt qua mọi khó khăn bằng nhiều phương pháp khác nhau. Thay vào đó, Si Eun trở thành nhân vật “chịu đòn” nhiều hơn, thiếu đi sự linh hoạt và sáng tạo trong các tình huống đối đầu.
Một số cảnh sử dụng vũ khí như bút bi hay knuckle để làm tăng mức độ bạo lực, nhưng với một số người xem, chúng lại trở nên phản cảm và không phù hợp với thông điệp của bộ phim.
Thêm vào đó, nhân vật “trùm phản diện”, Na Baek Jin, dù là kẻ mạnh nhất trong tiểu thuyết, lại thiếu sức hút và bị biến thành nhân vật thiếu chiều sâu, khi có thêm yếu tố tình bạn với Park Hu Min.

Theo dõi 8 tập phim, cái khán giả thấy ở nhân vật này chỉ là nỗi ám ảnh với Park Hu Min chỉ vì tình bạn của họ. Từ đó, nó khiến cho những yếu tố như “trí tuệ”, “sự điên rồ”, “khả năng chiến đấu thần sầu” – những đặc trưng vốn có của Na Baek Jin, được miêu tả trong tiểu thuyết, không được làm nổi bật.
Tuy nhiên, mặc dù có những điểm yếu, mùa 2 vẫn mang đến những giá trị quan trọng.
Si Eun không chỉ trưởng thành trong cách đối diện với bạo lực mà còn trong cách xây dựng mối quan hệ với bạn bè.
Cậu học cách vượt qua nỗi đau từ quá khứ và nhận ra rằng trưởng thành không chỉ là sự mạnh mẽ về thể xác mà còn là sự kiên cường trong tinh thần.
Mối quan hệ giữa Si Eun và Jun Tae, mặc dù có những thử thách, đã chứng minh rằng tình bạn thực sự là một quá trình của sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau. Nếu Si Eun giúp Jun Tae hiểu ý nghĩa thật sự của luật Newton 2 thì Jun Tae thức tỉnh Si Eun rằng sau tất cả, những gì ở hiện tại “không phải lỗi của cậu”.

Ngoài ra, bộ phim tiếp tục truyền tải thông điệp về sự trưởng thành thông qua những hành động đúng đắn.
Dù cuộc sống có khó khăn và đầy thử thách, Si Eun và những người bạn của cậu học được rằng hành động đúng sẽ mang lại kết quả tích cực, giúp ngừng vòng xoáy bạo lực.
Họ truyền tải thông điệp nhân văn rằng, để tránh vượt qua ranh giới của điều sai trái, chúng ta cần thực hiện những hành động đúng đắn và tốt đẹp.
Kết
Nếu chỉ nhìn bề nổi, Weak Hero Class 2 có thể khiến người xem choáng ngợp vì mức độ bạo lực được đẩy lên gấp đôi so với mùa đầu tiên.
Những trận chiến khốc liệt hơn, những vết thương nặng nề hơn và những trận đòn đau hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc phần 2 vượt mặt phần 1 về sức nặng cảm xúc hay chiều sâu nội dung.
Thực tế, dù hoàn hảo theo cách riêng, bộ phim Hàn Quốc này vẫn thiếu đi thứ “ma thuật đen tối” đã khiến mùa 1 trở thành tượng đài khó quên.

Điều làm nên sự khác biệt ở Weak Hero Class 1 không chỉ là những màn đối kháng mãn nhãn, mà là cách nó khiến khán giả cảm nhận được từng cú đấm như một vết cắt vào tâm hồn.
Đó là sự trần trụi, sự cô đơn và cảm giác bất lực trước môi trường bạo lực, nơi lòng tốt hay tình bạn cũng mong manh như bọt biển. Những khoảnh khắc khiến người xem bị sốc của phần 1 để lại trong lòng người xem nỗi trống rỗng kéo dài — thứ cảm giác rất khó gọi tên nhưng ám ảnh không dứt.
Trong khi đó, phần 2 chọn cách kể chuyện trưởng thành và khép lại có hậu hơn.
Phim đi sâu vào những tổn thương tâm lý, những cái bẫy mà quyền lực và nỗi ám ảnh báo thù giăng ra. Nó cho người xem thấy rằng đôi khi kẻ mạnh nhất lại là kẻ biết cách đứng dậy từ nỗi đau, chứ không phải kẻ có nấm đấm mạnh hơn.

Weak Hero Class 2 đem lại cho khán giả cảm giác trọn vẹn, như một nốt nhạc kết thúc cần thiết để tưởng nhớ những gì đã mất. Nhưng cũng chính vì vậy, nó thiếu đi sự hoang hoải, sự “không trọn vẹn” — thứ từng khiến phần 1 khác biệt và đặc biệt.
Điều thú vị là cả hai mùa phim như hai nửa đối lập bổ sung cho nhau. Weak Hero Class 1 là cú nổ cảm xúc nhưng để lại dang dở, còn Weak Hero Class 2 là hành trình khâu vá những vết thương ấy.
Tóm lại, dù bạo lực có được nhân đôi, dù kỹ thuật dàn dựng có sắc sảo hơn, thì Weak Hero Class 2 vẫn không thể tái tạo lại hoàn toàn cảm giác ngột ngạt, day dứt mà Weak Hero Class 1 từng mang lại.
Thế nhưng, nói như vậy không có nghĩa là mùa 2 thất bại. Ngược lại, hai mùa phim như hai mảnh ghép đối lập cần thiết, giúp Weak Hero Class trở thành một trong những bộ phim học đường đen tối đáng nhớ nhất màn ảnh Hàn. Một bộ phim không chỉ kể về những cú đấm, mà còn về những vết sẹo – cả bên ngoài lẫn bên trong.
Theo dõi Trạm Giải Trí để không bỏ lỡ những thông tin điện ảnh mới nhất và hậu trường thú vị tại chuyên mục Phim.