Mục lục
Phim Thái Lan có không ít tác phẩm gắn liền hoặc khai thác văn hóa tinh thần Thái – từ chuyện ma, linh hồn đến tín ngưỡng… Thế nhưng, hiếm có bộ phim nào đi sâu vào “chất Thái” đến mức khiến người xem phải tự hỏi liệu các nước khác, như Việt Nam chẳng hạn, có điều gì tương tự, hoặc khiến người Thái hoang mang, không dám chắc là họ thực sự hiểu rõ điều đó.
Ví dụ điển hình là giới “chơi bùa hộ mệnh” – một lĩnh vực mà người Thái biết là có tồn tại, nhưng hầu như đều cảm thấy quá phức tạp để hiểu hay tham gia vào. Song, đó chính là điều mà bộ phim The Stone (tạm dịch: Phật thật – Người giả) muốn phơi bày và lấy làm cốt lõi cho câu chuyện hấp dẫn như chính tựa đề tiếng Thái của nó.

Thông qua những cú bẻ lái, sự tinh ranh của từng nhân vật cùng lời thoại sắc bén, phim đặt câu hỏi rằng: sự linh thiêng của một vật có thực sự quan trọng và có phải con người mới là kẻ đang “phù phép” cho sự nhiệm màu của nó?
The Stone được công chiếu tại Thái Lan vào đầu tháng 4 vừa qua. Hiện vẫn chưa có thông tin tác phẩm này có được phát hành tại Việt Nam hay không, thế nên, bài viết sau đây sẽ giúp bạn biết rõ hơn về nội dung cũng như cảm nhận của khán giả Thái Lan về tác phẩm này.
Nội dung phim The Stone
- Ngày phát hành: 3/4/2025
- Thể loại: giật gân, tội phạm, chính kịch
- Thời lượng: 124 phút
- Đạo diễn: Pae Arak Amornsupasiri
- Diễn viên: Jaonaay Jinjett, Aheye Korranid, Jaii Itkron, Chakrabongse Chulachak, Nappon Gomarachun
Câu chuyện xoay quanh Ek (do Jaonaay Jinjett thủ vai), chàng trai trẻ nghèo khó đang tìm cách kiếm tiền để chữa bệnh cho cha. Thấy nhà không còn gì ngoài tấm bùa hộ mệnh của cha, Ek quyết định mang tấm bùa đi bán.
Trong lúc trao đổi giá cả tại chợ, Ek gặp Seng Paradise (do Jaii Itkron thủ vai), một cao thủ sưu tầm phật nổi tiếng và Muai (do Aheye Korranid thủ vai), cô gái chuyên giám định giá trị đồ vật Phật giáo.

Muai tin rằng tượng Phật Ek đem bán là “Phra Somdej”, chiếc bùa hộ mệnh huyền thoại mà giới cao thủ đều săn tìm.
Câu chuyện trở nên căng thẳng khi Ek chạm trán với nhiều người có ảnh hưởng trong giới chơi bùa hộ mệnh. Những người này muốn có bằng được bùa hộ mệnh của cậu. Và rồi, cuộc tranh giành tượng Phra Somdej giữa các cao thủ dẫn đến chuỗi sự kiện không thể kiểm soát, thậm chí đe dọa đến tính mạng của nam chính.
The Stone lấy cảm hứng từ sự kiện có thật và nhào nặn thành câu chuyện mới, với các chi tiết “rất Thái”. Chẳng hạn, khi có người thoát chết, nếu người Việt hỏi thăm “Có sao không?”, thì người Thái sẽ nói: “Mày đeo Phật gì đấy thằng kia?”.

Mọi thứ trong The Stone được dẫn dắt qua góc nhìn của Ek – một người chẳng biết gì về bùa hộ mệnh. Từ đó, nhân vật Ek trở thành đại diện cho khán giả, đặt ra câu hỏi về những tình huống điên rồ xảy ra khi chỉ vì tấm bùa nhỏ mà biết bao người bày ra mọi chiêu trò, kế sách.
Nhiều trang review Thái Lan cho biết The Stone giúp họ cảm thấy như đang được tiếp cận với giới chơi bùa hộ mệnh. Làm sao để phân biệt thật – giả? Cuộc thi làm bùa hộ mệnh là gì? Các chuyên gia về bùa hộ mệnh có vai trò ra sao? Đây là cả một thế giới nằm ngay bên cạnh, nhưng hầu hết người Thái cũng chỉ dám đứng ngoài nhìn vào.
Dẫu vậy, The Stone không đi sâu vào việc trả lời toàn bộ những câu hỏi trên. Thay vào đó, tác phẩm giống như tour dẫn người xem qua những điểm đặc trưng của thế giới này – chẳng hạn như phiên chợ đấu giá hay không khí kỳ lạ ở các buổi triển lãm – cho thấy sự hoành tráng và quy mô của giới chơi bùa hộ mệnh ở Thái Lan.
Mỗi gia đình một câu chuyện
The Stone phản ánh sự khác biệt thế hệ qua nhân vật Muai – nữ cao thủ độc lập, có mâu thuẫn với cha nên chọn rời đi để tìm con đường riêng.
Mối bất hòa cha – con được đẩy cao khi ông quý Seng Paradise (dù không phải con ruột) hơn con gái ruột. Từ đó, sự tranh đấu giữa Seng Paradise và Muai còn mang cả tính gia đình.

Câu chuyện của The Stone còn được phản ánh từ khía cạnh khác qua nhân vật Ek – con của sĩ quan cảnh sát chính trực.
Anh tin tượng Phật là gia sản gia đình, nhưng không hiểu vì sao cha anh không đem bán để lo tương lai.
Ek là đại diện cho người nghèo trong giới tâm linh. Thứ anh cần là vật chất, thế nên, anh không quan tâm đến tầm quan trọng về mặt tinh thần của bùa hộ mệnh, mục tiêu của anh ngay từ đầu đó chính là bán được chiếc bùa để trang trải khó khăn kinh thế.
Tư tưởng này của nam chính đi ngược lại với nhiều người lớn tuổi (điển hình là cha của anh). Và từ đây, sự khác biệt về suy nghĩ, đức tin giữa hai thế hệ cũng thấp thoáng được đề cập đến.
Khi niềm tin bị đem ra mua bán
Như đã đề cập ở trên, người xem sẽ được thấy những lát cắt khá rõ về giới chơi bùa hộ mệnh – dù có chút hư cấu, phóng đại – nhưng vẫn đủ chặt chẽ và cuốn hút, giúp người xem hiểu câu chuyện mà không cần giải thích dài dòng.
Lý do khiến bùa hộ mệnh trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhiều người là vì chúng mang tính biểu tượng tôn giáo. Bùa hộ mệnh truyền tải đức tin theo nhiều hình thức: cầu may, bảo vệ bản thân, xua đuổi xui xẻo… Nhưng điều khó khăn là không ai biết chắc rằng bùa hộ mệnh mình sở hữu có thật sự là “đồ thật” hay không.
Từ đây mới xuất hiện những “cao thủ bùa hộ mệnh”, những người có khả năng phân biệt bùa hộ mệnh thật hay giả. Có thể nói, họ vừa là chuyên gia, vừa như người chỉ đường tâm linh.

Với một vật phẩm bất kỳ, con người sẽ hướng về nó với chỉ hai mục tiêu: vì có giá trị tinh thần hoặc vì có giá trị vật chất.
Như Ek chẳng hạn, anh là nhân vật có “lỗ hổng kiến thức” về bùa hộ mệnh. Với số tiền Seng đưa ra, anh có thể an tâm giúp cha dưỡng bệnh.
Song, khi nghe Muai cho biết nó có giá trị gấp bội, Ek quyết tâm giữ bùa hộ mệnh bên mình, mong đợi số tiền lớn hơn dù bản thân không biết giá trị thật sự của tấm bùa cũng như liệu lời nói của Muai có chính xác hay không.

Trái ngược với Ek, Muai là “cáo già” trong giới bùa hộ mệnh. Không chỉ hiểu biết, cô còn có tài ăn nói, là một “chiến thần” livestream thuyết phục được lòng tin của bao người, bao gồm cả việc giúp nam chính từ ngờ vực sang tin tưởng tuyệt đối.
“Khi cao thủ nổi tiếng nói là thật, thì nó là thật.” – câu nói của Muai với Ek trong lúc cậu đang do dự, là câu then chốt của cả phim. Câu thoại nghe qua tưởng đùa, nhưng lại là sự thật trần trụi trong cả thế giới bùa hộ mệnh lẫn xã hội hiện đại – nơi sự thật không còn do chính nó quyết định, mà nằm trong tay người có “micro” lớn hơn.
Cú chào sân của đạo diễn trẻ
The Stone đánh dấu màn chào sân của diễn viên Pae Arak với vai trò đạo diễn.
Có khán giả Thái Lan nhận xét, khó mà tin đây là tác phẩm đầu tay của anh, bởi mọi thứ đều được định hướng rõ ràng, cách truyền tải dứt khoát, cắt dựng với phong cách riêng, nhịp kể gọn gàng, súc tích, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Phim dùng nhiều cảnh cận cực (Extreme Close-up) – để thể hiện ánh mắt, biểu cảm của nhân vật lúc căng thẳng, hoặc để “soi” bùa hộ mệnh – rất phù hợp với thể loại thriller tội phạm.
Bên cạnh đó, sự liều lĩnh của ê-kíp sản xuất – đặc biệt là với các cảnh quay One-Take-Action (quay một mạch không cắt) xuất hiện khá nhiều trong phim, gần như trở thành phong cách riêng của đạo diễn trẻ.
Dù khai thác yếu tố văn hóa, The Stone vẫn là một tác phẩm hồi hộp đúng nghĩa. Nhịp phim tăng dần đều, từng câu thoại được sắp xếp tinh tế nhằm khắc họa những màn đấu trí không khoan nhượng giữa các nhân vật.
Diễn xuất “ra trò” của dàn sao
The Stone cũng tận dụng triệt để sức mạnh dàn sao. Mỗi người đều có “chất” riêng, hóa thân thành “sói già” một cách hoàn hảo: kẻ tưởng tốt hóa ra không hẳn, người tưởng xấu lại có bí mật riêng.
Ek là đại diện cho “người ngoài” chưa từng biết đến giới chơi bùa hộ mệnh – nếu Ek bán cho Seng từ đầu, có lẽ The Stone đã kết thúc ngay phút thứ mười. Nhưng chính sự do dự ấy lại mở ra một mê cung đầy cạm bẫy, nhưng phim dần cho người xem thấy được động lực và lý do khiến Ek dấn thân, đủ sức thuyết phục khán giả đồng hành với anh. Diễn xuất của Jaonai cũng được đánh giá là “chắc tay”, truyền tải được nỗi sợ, áp lực và quyết tâm lấy lại bùa hộ mệnh của cha.
Muai thì đại diện cho phụ nữ trong giới chơi bùa hộ mệnh vốn toàn nam giới. Là con gái của người có chức, có quyền, cô phải gánh chịu áp lực từ cái bóng của cha và sự kỳ vọng từ người ngoài, khiến mọi quyết định của cô có sức nặng đặc biệt trong mắt người xem.

Các nhân vật khác như Seng Paradise hay Victor, gã đàn ông bí ẩn do Chakrabongse Chulachak thủ vai, cũng khá đặc sắc. Vẻ ngoài bặm trợn, trái ngược với những mảng miếng hài hước của họ giúp giải tỏa không khí căng thẳng, nhưng không làm mất đi sự đáng gờm của nhân vật.
Kết luận
Khán giả Thái Lan cho biết, The Stone là màn chào sân cực kỳ ấn tượng của Pae Arak với vai trò đạo diễn.
Trong thời gian gần đây nhiều phim Thái có kịch bản khá dễ đoán. Nhưng The Stone lại khác, rất khó đoán, nhất là phần cuối. Dù có đoạn hơi chậm, nhưng tổng thể vẫn kết thúc rất trọn vẹn.
The Stone giống như một lời châm biếm xã hội sâu cay. Tác phẩm khép lại bằng một câu hỏi mở, không chỉ về niềm tin, mà còn là về cách chúng ta chấp nhận những “sự thật” được tô vẽ – liệu đó là sự ngây thơ, hay là sự mỏi mệt của một xã hội đã quá quen với việc tin theo người khác?
Theo dõi Trạm Giải Trí để không bỏ lỡ những thông tin điện ảnh mới nhất và hậu trường thú vị tại chuyên mục Phim.