Mục lục
Phim cổ trang trọng sinh báo thù Khi Chim Nhạn Trở Về (tên cũ: Quý Nữ) không ngừng tạo nên những bất ngờ khó cưỡng trong cộng đồng mê phim Hoa ngữ. Bộ phim có sự tham gia chủ chốt của Trần Đô Linh, Tân Vân Lai và nhiều gương mặt thưc lực như Ôn Tranh Vanh, Dụ Ân Thái, Vương Diễm, Huỳnh Hải Băng… Dàn diễn viên ấn tượng kết hợp với kịch bản lôi cuốn và hình ảnh dàn dựng công phu tạo nên thành công cho bộ phim.
Mặc dù Khi Chim Nhạn Trở Về hứng chịu gạch đá ở phần mở màn nhưng càng về sau, bộ phim dần đưa người xem đến nhiều tình tiết lắt léo, lôi cuốn đến khó lòng dứt ra. Đặc biệt, cặp đôi chính vẫn còn một số hạn chế nhất định nhưng vẫn được lòng nhiều mọt phim.

Khi Chim Nhạn Trở Về (Quý Nữ) sở hữu kịch bản “chất”
Khi Chim Nhạn Trở Về ban đầu có tên là Quý Nữ, kịch bản được chắp bút dựa trên tiểu thuyết Trọng Sinh: Quý Nữ Khó Cầu của tác giả Thiên Sơn Trà Khách (đồng tác giả nguyên tác của cơn sốt Mặc Vũ Vân Gian do Ngô Cẩn Ngôn và Vương Tinh Việt đóng chính). Từ cốt truyện gốc, biên kịch Tào Tiếu Thiên và đạo diễn Dương Long đã xây dựng nên một câu chuyện chứa đựng nhiều tình tiết bất ngờ, khó đoán, dẫn dắt người xem đi từ kinh ngạc này đến những cú sốc khó tin.

Tình tiết lắt léo, gây bất ngờ liên hoàn
Một trong những sức hút lớn nhất của phim cổ trang Khi Chim Nhạn Trở Về là phần kịch bản được xây dựng rất ấn tượng, thiết lập nhân vật có chiều sâu, có “đầu óc”. Câu chuyện mở ra nhiều tình huống rất bất ngờ, không theo bất cứ logic thường gặp nào. Các chi tiết nối tiếp, đan xen, chồng chéo lên nhau thậm chí khi tưởng chừng đã kết thúc một sự kiện nào đó nhưng cuối cùng cũng chỉ là “viên đá lót đường” cho các tình huống về sau.

Quá trình báo thù của khôn phải một mình Trang Hàn Nhạn đều đi theo chiều hướng chủ động, không phải chờ đợi “ác giả ác báo”. Kẻ ác sớm muộn sẽ bị trừng trị một cách thích đáng. Điều này đã khiến nhiều khán giả càng thêm phấn khích và mong chờ liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đáng nói, ngôi kể chuyện trong phim không chỉ có một mình Trang Hàn Nhạn, dường như mỗi nhân vật đều đang kể lại câu chuyện theo góc nhìn của bản thân họ và chưa chắc những gì họ làm hoàn toàn là đúng đắn…

Nhân vật mang nhiều lớp mặt nạ
Ban đầu khi theo dõi Quý Nữ, hẳn nhiều mọt phim đã bị biên kịch và đạo diễn đánh lừa rất nhiều lần. Cứ tưởng người này là kẻ phản diện, nhân vật này đã hãm hại nữ chính nhưng không, càng về sau càng phát hiện ra mọi chuyện không hề đơn giản như vậy.
Bên cạnh hai nhân vật chính Trang Hàn Nhạn (Trần Đô Linh đóng) và Phó Vân Tịch (Tân Vân Lai đóng), các nhân vật phụ gần như đều mang nhiều lớp mặt nạ ngụy trang, để che đậy mục đích, nỗi niềm của riêng mình.

Mẫu thân của Trang Hàn Nhạn, Nguyễn Tích Văn (Ôn Tranh Vanh đóng) cả đời bị trói buộc ở Trang gia. Ngoài mặt là một người mẹ điên cuồng, “hổ dữ ăn thịt con”, thiếu bình tĩnh nhưng thực chất đang ôm mối hận thù quá lớn với chính người từng đầu ấp tay gối với mình. Cha của Trang Hàn Nhạn, Trang Sĩ Dương (Dụ Ân Thái đóng), một người đàn ông trông có vẻ hiền lành, đam mê việc bếp núc. Vậy nhưng vì chấp niệm tình yêu quá lớn, ông ta lại nhẫn tâm ra tay độc ác hủy hoại đi cuộc đời của chính người mình yêu. Di nương Châu Như Âm (Vương Diễm đóng) ra vẻ thân thiện, vụng về nhưng thực chất lòng dạ chẳng thua gì “mẹ Cám”…



Chất liệu tinh thần được lột tả đầy mới mẻ và rung cảm
Quý Nữ tập trung vào hành trình báo thù đầy chông gai và bất công, vẫn là màn tranh đấu giữa vợ cả và thiếp thất thuộc đề tài trạch đấu; vẫn là yêu hận tình thù rất đặc trưng của thể loại phim cổ trang chuyển thể ngôn tình… Tuy nhiên, các chất liệu về tình thân, tình yêu đôi lứa trong phim được khắc họa rất khác biệt, chạm thẳng đến cảm xúc người xem.

Tuyến tình cảm giữa Trang Hàn Nhạn và Phó Vân Tịch dường như luôn luôn được đặt sau “tâm sự nghiệp” của họ. Tình cảm của họ đến gần cuối phim còn không mấy ấn tượng bằng tình yêu đầy chông gai, kết cục thảm khốc giữa Nguyễn Tích Văn và Vũ Văn Trường An (Huỳnh Hải Băng đóng)…
Tình mẹ con giữa Trang Hàn Nhạn và Nguyễn Tích Văn có thể khẳng định là nét chấm phá đắt giá nhất cho giá trị tinh thần của toàn bộ câu chuyện. Mẹ mang nỗi đau mất đi cả gia đình, không thể đến với người mình yêu… Người tưởng chừng đã đưa tay ra cứu lấy bà lúc khó khăn lại chính là người đẩy bà vào vũng bùn lầy không lối thoát… Mẹ vì trả thù, vì bảo vệ con nên đành phải đẩy con ra xa khỏi vòng tay mình dù con vẫn còn đang “đỏ hỏn”. Mẹ chấp nhận đồng quy vu tận với cả nhà kẻ thù nhưng trước đó đã âm thầm sắp xếp con đường sống cho con.

Trong khi đó, Trang Hàn Nhạn từ nhỏ không có mẹ kề bên, không có được cảm giác ấm áp của gia đình. Cô phải sống trong khổ sở trăm bề nhưng lại chưa bao giờ oán trách, nảy sinh lòng hận thù, hay chán ghét mẹ. Trái lại, chính mẹ là động lực lớn lao nhất để cô có sức mạnh vượt qua mọi khổ đau trên đời. Nhiều cảnh quay giữa hai mẹ con Trang Hàn Nhạn và Nguyễn Tích Văn đã khiến người xem không khỏi xúc động mãnh liệt. Hóa ra tình mẫu tử còn có thể được hình dung, cảm nhận ở một góc độ khác hoàn toàn như vậy.

Không chỉ có mẹ mới có thể bảo vệ con, làm chỗ dựa cho con mà con cũng có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ. Từng hợp tác với nhau nhiều lần, Trần Đô Linh và Ôn Tranh Vanh còn có khuôn mặt giống hệt như mẹ con ruột càng giúp cho hình ảnh “mẹ con báo thù, mẫu tử tình thâm” trở nên sinh động, chân thực hơn rất nhiều.
Hình ảnh trong Quý Nữ đậm chất nghệ thuật và tính ẩn dụ
Ngay từ poster phim, Quý Nữ (Khi Chim Nhạn Trở Về) đã cài cắm nhiều ẩn dụ để cho khán giả tự khám phá. Bộ phim có phần nhìn được đầu tư rất chỉn chu và dụng tâm, mỗi một khung hình hiện lên đều hữu tình, hữu ý, phục hóa trang cũng đẹp ngây ngất lòng người và phù hợp với thiết lập nhân vật trong các cột mốc thời gian khác nhau.

Cảnh quay thể hiện được nét đẹp đặc trưng của thời Minh, tạo cảm giác “quý nữ” thanh cao là như thế nào, thói đời bạc bẽo, đắng cay ra sao… Đặc biệt nhất, gây chú ý nhất chính là những phân cảnh tuyết rơi và những chuyển cảnh mượt mà đến nao lòng. Cách sắp xếp bố cục khung hình, vị trí nhân vật, chuyển động ống kính đều chứa đựng một loại ngôn ngữ giao tiếp trực quan với khán giả trước màn hình. Ấn tượng nhất là những cảnh quay chuyển đổi qua lại giữa nhân vật ở hiện tại và quá khứ, những cảnh thể hiện tâm lý phức tạp giữa các nhân vật… Cảnh tuyết rơi từ trên trời xuống hay từ phía dưới tung lên cũng là cách cài cắm ẩn dụ cho thái độ và hành động của nhân vật…
Phải nói rằng, phần nhìn chất lượng của Quý Nữ thật sự đã góp phần giúp cho phim Trung Quốc ít nhiều gỡ bỏ được định kiến về chất lượng hình ảnh kém, “yếu tay nghề” như trong một số bộ phim “được tư bản đập tiền” khác.







Trần Đô Linh và Tân Vân Lai “nhạt màu” trước dàn diễn viên thực lực
Một số ý kiến cho rằng, Khi Chim Nhạn Trở Về (Quý Nữ) đã có thể gây sốt hơn nữa nếu cặp đôi chính không phải là Trần Đô Linh và Tân Vân Lai. Vậy nhưng liệu ý kiến này có quá chủ quan hay không vì rõ ràng cả hai vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều khán giả.
Quả thật, Quý Nữ có dàn phụ trợ quá nổi trội với khả năng diễn xuất chắc tay, xuất thần. Nữ diễn viên Ôn Tranh Vanh đã có màn thể hiện gần như không có chỗ nào để phàn nàn khi lột tả khá trọn vẹn mọi khía cạnh, góc khuất nội tâm, những đau đớn và sự quyết liệt trả thù của Nguyễn Tích Văn. Trong khi đó, Dụ Ân Thái, nam diễn viên có diễn xuất uyển chuyển khiến người xem “lạnh gáy” bởi những biểu cảm của Trang Sĩ Dương không khác gì loài rắn độc đang chuẩn bị hạ con mồi ẩn sau vẻ mặt hiền lành vô tội. “Tình Nhi” Vương Diễm cũng cho thấy kinh nghiệm dày dặn khi hóa thân xuất sắc vai di nương Châu Như Âm “miệng Nam Mô nhưng bụng một bồ dao găm”…




Đứng giữa một hàng “hậu vệ” quá “chuyên nghiệp”, rất khó để hai “tiền vệ” trẻ hơn như Trần Đô Linh và Tân Vân Lai có thể tỏa sáng. Trần Đô Linh và Tân Vân Lai vẫn chưa có diễn xuất chín muồi trong các phân cảnh cần thể hiện rõ tâm tư, cảm xúc nhân vật. Song, cả hai vẫn đảm nhiệm vừa đủ tốt vai trò của mình để câu chuyện thành công giữ chân được đông đảo khán giả.




Trần Đô Linh có chiếc cổ cao, gương mặt thanh tú phù hợp với thiết lập “quý nữ khó cầu” trong thời đại bấy giờ. Những bộ trang phục của Trang Hàn Nhạn khiến người xem không khỏi xuýt xoa ngợi khen. Trang Hàn Nhạn còn để lại nhiều dư âm trong nhiều cảnh quay. Cô có vẻ đẹp vừa mềm mại nhẹ nhàng, cao sang, quyền quý lại vừa có sự mạnh mẽ, kiên cường, quyết liệt…






Tân Vân Lai từng gây chú ý trong phim tiên hiệp Dữ Phượng Hành (vai Mặc Phương). Nhiều khán giả đã rất bất ngờ khi nhận ra anh vì tạo hình trong phim Quý Nữ đã khiến anh trở nên kém sắc. Thế nhưng visual có nét “cường hào ác bá” của anh vẫn chiếm trọn tình cảm của không ít khán giả. Tân Vân Lai có thể không phải là Phó Vân Tịch lý tưởng nhưng đối với nhiều khán giả không phải anh thì cũng không ai hợp bằng.



Nhìn chung, đề tài trọng sinh, báo thù đang bắt đầu “lên ngôi” trong làng phim cổ trang thay vì tiên hiệp như nhiều năm về trước. Một số bộ phim như Vi Hữu Ám Hương Lai, Ninh An Như Mộng, Mặc Vũ Vân Gian, Cửu Trọng Tử… đều là những “hắc mã” gây bất ngờ cho người xem và nay đến lượt Quý Nữ (Khi Chim Nhạn Trở Về) cũng vậy.