***Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim!
Trước đây, phim cổ trang thường thịnh hành thể loại tiên hiệp, nhưng giờ đây tiên hiệp đã suy thoái, mọi người lại đổ xô vào việc chuyển thể các tác phẩm về đề tài trọng sinh báo thù. Đầu tiên là Vi Hữu Ám Hương Lai, Ninh An Như Mộng, sau đó đến cơn sốt Mặc Vũ Vân Gian, Độ Hoa Niên và trong vài tháng gần đây có Cẩm Tú An Ninh, Cửu Trọng Tử, Tự Cẩm và Khi Chim Nhạn Trở Về (tên cũ: Quý Nữ).
Đặc biệt, hai bộ phim Tự Cẩm do Cảnh Điềm – Trương Vãn Ý đóng chính và Quý Nữ do Trần Đô Linh – Tân Vân Lai đóng chính, phát sóng gần như cùng thời điểm. Bên cạnh đó, hai bộ phim còn có đề tài tương tự, khó tránh khỏi việc khán giả so sánh và có những đánh giá trái ngược.


Tự Cẩm thiếu một kịch bản chặt chẽ, logic
Tự Cẩm khi chiếu gần đến hồi kết, độ hot trên nền tảng đạt cao nhất là 28.000, nhưng phần lớn thời gian chỉ dao động quanh mức 24.000, độ hot được xem là bình thường. Hơn nữa, điểm Douban chỉ đạt 5.7, thuộc hàng điểm thấp trong các phim cổ trang.

Bộ phim này từ khi phát sóng đã gây nhiều tranh cãi về nội dung. Khương Tự (Cảnh Điềm đóng) tuy trọng sinh nhớ ký ức cũ nhưng liên tục rơi vào thế bị động, nhiều lần phải nhờ nam chính Úc Cẩn (Trương Vãn Ý đóng) giải cứu. Ví dụ như khi vạch trần vụ án giết người của anh rể Tào Hưng Dục, cô vốn muốn hành động một mình nhưng lại bị truy sát. Cuối cùng, cô phải nhờ Úc Cẩn dùng võ lực để phá vỡ thế cục. Motif “nữ chính gây họa, nam chính giải quyết” này đã làm giảm đi ý nghĩa của thiết lập trọng sinh.


Trong nguyên tác, Khương Tự dùng cổ thuật Ô Miêu khiến tên đàn ông cặn bã phát điên trên đường phố mang lại cảm giác cực kỳ hả hê. Tuy nhiên, khi lên phim, chi tiết này đã cải biên thành “cuộc chiến dư luận” để tránh chạm đến vấn đề “mê tín phong kiến” và làm mất đi sự kịch tính.
Ngoài ra, logic tuyến gia tộc cũng rối tung rối mù, các nhân vật phụ trở thành phông nền. Trong phim, bà nội Khương gia nhiều lần ép Khương Tự nhẫn nhịn để bảo vệ danh tiếng gia tộc. Vậy nhưng cha Khương đột ngột thay đổi lập trường ủng hộ con gái hủy hôn mà thiếu đi sự chuẩn bị, tạo cảm giác ngỡ ngàng không chân thực. Vấn đề của Tự Cẩm nằm ở việc bỏ qua logic nội tại của sự trưởng thành nhân vật, Khương Tự bận rộn cứu giúp gia đình nhưng thiếu sự tự giác ngộ, cuối cùng trở thành “thánh mẫu uất ức”.



Tuyến quyền mưu trong Tự Cẩm cũng thuộc “cấp mẫu giáo”, trưởng công chúa là phản diện cuối cùng. Bản phim chuyển thể chỉ dựa vào các đạo cụ như lư hương văn mãng xà để ám chỉ dã tâm, thiếu các chi tiết đặc tả về cuộc tranh đấu trên ván cờ chính trị. Bố cục thao túng triều đình thông qua liên hôn của trưởng công chúa trong nguyên tác đã bị đơn giản hóa. Trận quyết đấu cuối cùng giống như nhóm nhân vật chính “buff bẩn” đè bẹp đối thủ hơn là đấu trí.


Khi Chim Nhạn Trở Về (Quý Nữ): kịch bản “cuốn”, hình ảnh “đỉnh”
So với cách kể chuyện sơ sài của thể loại sảng văn chỉ muốn báo thù bất chấp logic sau khi Khương Tự về nhà, câu chuyện báo thù của Trang Hàn Nhạn (Trần Đô Linh đóng) trong Khi Chim Nhạn Trở Về hấp dẫn hơn nhiều. Phim được đông đảo khán giả “phong thần” nhờ nhịp độ báo thù “nhanh, chuẩn, ác” và nghệ thuật đấu trí lôi cuốn.
Khởi đầu, phim nhận được đánh giá tốt, độ hot tăng nhanh. Tuy Quý Nữ lên sóng không báo trước nhưng nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng độ hot. Bộ phim cổ trang báo thù này trở thành tác phẩm đạt mốc 22.000 độ hot nhanh nhất của Tencent Video và phá mốc 26.000 vào ngày hôm sau. Với tốc độ tăng trưởng này, nếu khâu tuyên truyền theo kịp cũng như diễn biến về sau vẫn đủ sức hút, việc phá mốc 30.000 độ hot chỉ là vấn đề thời gian. Nhiều mọt phim dự đoán Quý Nữ rất có thể sẽ trở thành một “hắc mã” khác trên thị trường phim cổ trang.

Mở đầu, Trang Hàn Nhạn có vẻ thảm hơn Khương Tự nhiều, tuổi thơ bị giam cầm, bị ngược đãi, chịu đủ khổ sở. Ấy vậy nhưng cô ấy rõ ràng thông minh hơn Khương Tự nhiều. Khi Chim Nhạn Trở Về ban đầu có tên là Quý Nữ. Nội dung phim được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Trọng Sinh: Quý Nữ Khó Cầu của tác giả Thiên Sơn Trà Khách. Nguyên tác lấy “trọng sinh, trạch đấu, báo thù” làm yếu tố cốt lõi. Bản truyền hình giữ lại tuyến chính của nguyên tác, nhưng đã thay đổi thiết lập “trọng sinh”. Phim tập trung vào sự trưởng thành nghịch chuyển số phận và đấu trí quyền mưu của nữ chính Trang Hàn Nhạn.




Trang Hàn Nhạn không mang “hào quang” trọng sinh, cô chủ yếu dựa vào mưu lược và dũng khí để phản kháng lại cha mẹ nuôi đã ngược đãi mình. Không chỉ vậy, cô còn thiết kế, dựng lên một vụ “ám sát giả” để thăm dò tính cách của mọi người trong Trang phủ. Thiết lập “quả báo nhãn tiền” ngược lại khiến nhân vật trở nên sống động hơn: mỗi bước tính toán của cô đều dựa trên sự thấu hiểu về nhân tính.
Khi trưởng thành trở về Trang phủ, những người thân trong gia đình đều không chào đón cô, chỉ có dì Châu (Vương Diễm đóng), người trông có vẻ dịu dàng, tốt bụng, tươi cười niềm nở tiếp đón cô. Nhưng người từng trải qua gian khổ trăm bề như cô không hề buông lỏng cảnh giác, mà đã lợi dụng sự giả tạo của dì Châu để dụ dỗ bà ta lộ sơ hở.

Trong phim, phân đoạn rửa sạch ô danh “quỷ chân trần” được xem là kinh điển: Trang Hàn Nhạn mượn thân phận đạo sĩ giả để vạch trần âm mưu của dì Châu. Mẫu thân Nguyễn Tích Văn (Ôn Tranh Vanh) bề ngoài điên cuồng nhưng thực chất lại nhẫn nhịn, màn đấu mắt khi đưa chứng cứ, đã nâng trạch đấu lên thành cuộc chiến ngầm tương trợ lẫn nhau giữa phụ nữ.




Ngoài ra, các tình tiết “trâm hoa thử độc”, “đốt cháy gia phả”… kết hợp đạo cụ với yếu tố hồi hộp, tăng cường tính chặt chẽ của cốt truyện. Sự báo thù của Trang Hàn Nhạn luôn xoay quanh “tự cứu rỗi”, việc cô xé bỏ gia phả tượng trưng cho sự phản bội lại gia tộc phong kiến, việc hòa giải với mẹ đã hoàn thành sự vượt qua tổn thương gốc rễ.


Thẩm mỹ hình ảnh và cách xây dựng dàn nhân vật phụ cũng là điểm cộng lớn. Đạo diễn thông qua bố cục khung hình và ánh sáng, cảnh tuyết rơi, làm nổi bật bầu không khí đấu đá ngột ngạt trong Trang phủ. Ví dụ như cảnh Trang Hàn Nhạn chân trần đứng trên nền tuyết, vừa hô ô danh “quỷ chân trần”, vừa ẩn dụ sự kiên quyết liều lĩnh của cô. Các diễn viên phụ diễn xuất nhập vai gây ấn tượng mạnh mẽ như Ôn Tranh Vanh đóng vai mẫu thân điên cuồng, Vương Diễm đóng vai dì Châu miệng Nam Mô nhưng bụng một bồ dao găm…


“Hắc mã trọng sinh báo thù” tiếp theo gọi tên Khi Chim Nhạn Trở Về (Quý Nữ)
Theo những diễn biến hiện tại, cốt truyện của Quý Nữ rất chặt chẽ, thành công thu hút sự chú ý của khán giả, màn đấu đá chốn “thâm trạch” có thể nhận định là rất đặc sắc. Sự so sánh giữa hai bộ phim phản ánh sự nâng cấp thị hiếu của khán giả đối với phim báo thù: cảm giác sảng khoái, hả lòng hả dạ cần phải dựa trên sức mạnh thực sự của nhân vật và logic chặt chẽ của cách kể chuyện. Nhu cầu của khán giả đối với phim báo thù đã chuyển từ “sảng khoái vô não” sang “sảng khoái trí tuệ”. Trong bối cảnh có quá nhiều bộ phim cùng đề tài, logic chặt chẽ và nhân vật không bị hạ thấp trí tuệ đã trở nên rất quan trọng.