Mục lục
Sau những phản ứng tiêu cực ban đầu từ trailer, Nàng Bạch Tuyết 2025 bất ngờ “lội ngược dòng” với nhiều đánh giá tích cực. Các nhà phê bình khen ngợi sự đổi mới trong kịch bản, phần âm nhạc của Pasek – Paul và diễn xuất của dàn cast.
Đặc biệt, mối bất hòa giữa hai ngôi sao chính – Rachel Zegler (vai nàng Bạch Tuyết) và Gal Gadot (vai Hoàng Hậu), không chỉ giới hạn trên màn ảnh mà còn xuất phát từ lập trường chính trị đối lập về cuộc xung đột Israel – Palestine.

Zegler là người công khai ủng hộ Palestine còn Gadot lại đứng bên kia chiến tuyến. Điều thú vị là khác với cốt truyện trong phim – Hoàng Hậu luôn là kẻ gây hấn, ngoài đời, “Bạch Tuyết” Zegler lại là người khơi mào cuộc chiến.
Quyết định chọn diễn viên cho các vai chính như Bạch Tuyết, Hoàng Hậu Độc Ác, bảy chú lùn và Hoàng Tử của Disney cũng gây ra không ít tranh cãi, đồng thời phản ánh chiến lược của Disney trong việc điều chỉnh câu chuyện cổ tích để phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại.
Rachel Zegler vai nàng Bạch Tuyết
Năm 2021, Disney công bố Rachel Zegler – một diễn viên người Mỹ gốc Colombia, vào vai Bạch Tuyết, đánh dấu một bước ngoặt trong cách hãng phim tiếp cận nhân vật này. Zegler nổi tiếng với vai Maria trong West Side Story (2021). Cô được được chọn vào vai Bạch Tuyết nhờ khả năng diễn xuất và giọng hát ấn tượng – yếu tố không thể thiếu trong một bộ phim nhạc kịch.
Hãng phim nhấn mạnh Zegler mang đến “sự tươi mới” và “năng lượng hiện đại”, tái định hình Bạch Tuyết từ hình ảnh thụ động, dịu dàng trong bản hoạt hình 1937 thành một nhân vật mạnh mẽ, độc lập.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Hollywood 2022, giữa lúc vấn đề phân biệt chủng tộc là tâm điểm nhức nhối tại Mỹ. Nhiều tác phẩm lúc bấy giờ đã “da màu hóa” các nhân vật da trắng truyền thống. Disney không muốn bị tụt lại phía sau nên đã chọn Zegler làm nàng Bạch Tuyết gốc Latin đầu tiên.
Tuy nhiên, điều này ngay lập tức vấp phải sự phản đối dữ dội từ người hâm mộ nguyên tác. Với họ, việc một nàng công chúa mang đặc điểm ngoại hình biểu tượng như Bạch Tuyết lại được thể hiện bởi một cô gái da màu là điều khó chấp nhận, bất kể tài năng của Zegler có xuất sắc đến đâu.
Ở thời đại mà nữ quyền được đề cao, việc các nhà làm phim chuyển hướng sang xây dựng nhân vật nữ tự lập và quyền lực không phải là điều sai trái. Thực tế, đây là một xu hướng đáng ghi nhận, từng thành công với những nhân vật như Elsa trong Frozen hay Mulan trong phiên bản live-action.
Khi mọi thứ bị lạm dụng quá mức, nó dễ dẫn đến cảm giác nhàm chán và thậm chí phản tác dụng. Với Nàng Bạch Tuyết 2025, sự thay đổi không chỉ dừng ở ngoại hình của Zegler mà còn ở bản chất của nhân vật – từ một nàng công chúa dịu dàng, ngây thơ trở thành một lãnh đạo có tham vọng.

Điều này khiến nhiều khán giả yêu thích nguyên tác cảm thấy khó chịu, thậm chí bị “phản bội”. Họ cho rằng Disney đang cố gắng đè bẹp tinh thần cổ tích vốn có để thay thế bằng một tầm nhìn hiện đại hóa quá đà, làm mất đi nét duyên dáng và sự ấm áp từng khiến phiên bản 1937 trở thành kinh điển.
Sự khác biệt về ngoại hình giữa Zegler với gốc gác Latin và nhân vật trong phiên bản gốc – “làn da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như gỗ mun” – đã phá vỡ kỳ vọng truyền thống. Một bộ phận khán giả chỉ trích điều này “không trung thành” với nguyên tác, thậm chí họ còn tạo hashtag #NotMySnowWhite trên mạng xã hội để phản đối.
Sau khi phim ra mắt, diễn xuất của Zegler được đánh giá cao, phần nào xoa dịu tranh cãi ban đầu. Điều này cho thấy xã hội hiện đại đang dần chấp nhận việc tái định nghĩa các biểu tượng văn hóa. Zegler là minh chứng cho xu hướng “đa dạng hóa” của Disney – tương tự như Halle Bailey trong The Little Mermaid, đồng thời phản ánh sự căng thẳng giữa đổi mới và bảo tồn giá trị gốc trong tâm lý công chúng.
Gal Gadot vai Hoàng Hậu Độc Ác
Nếu Zegler gốc Latin đại diện cho sự tươi mới thì Gal Gadot mang đến một chiều sâu mới cho nhân vật phản diện kinh điển. Nổi tiếng với vai Wonder Woman, Gadot được chọn nhờ vẻ đẹp sắc sảo, khí chất quyền lực và khả năng diễn xuất linh hoạt.
Disney kỳ vọng cô sẽ biến Hoàng Hậu từ một “mụ phù thủy” ác độc đơn thuần (bản 1937, do Lucille La Verne lồng tiếng) thành một nhân vật phức tạp, vừa đáng sợ vừa quyến rũ với chiều sâu tâm lý rõ nét.
Trước đó, Gal Gadot vấp phải làn sóng bài xích từ nguồn gốc Do Thái – Israel của cô. Với những khán giả ủng hộ Palestine, việc Gadot tham gia bộ phim là lý do để kêu gọi tẩy chay.
Họ lập luận sự hiện diện của cô trong một dự án lớn như Nàng Bạch Tuyết là không thể chấp nhận được, đặc biệt khi cô từng phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ quê hương mình trong cuộc xung đột Israel – Palestine.

Ngược lại, những người ủng hộ Israel lại bày tỏ sự bất mãn với Disney vì đã chọn Gadot vào vai một nhân vật phản diện. Họ đặt câu hỏi liệu có phải hãng phim cố tình cài cắm một thông điệp chính trị ẩn ý khi để một người Israel đảm nhận vai Hoàng Hậu Độc Ác hay không.
Nếu bản gốc nhấn mạnh sự đáng sợ qua tạo hình và giọng nói lạnh lùng thì Gadot mang đến một Hoàng Hậu hiện đại hơn, có thể so sánh với Maleficent của Angelina Jolie – một biểu tượng vừa quyền uy vừa đầy cuốn hút.
Bên cạnh đó, nhan sắc của Gadot dường như đã “lấn át” Zegler, tạo nên sự tương phản hấp dẫn giữa hai nhân vật chính. Tuy nhiên, chính vẻ đẹp quyến rũ này của cô cũng làm mất đi nét đáng sợ truyền thống của Hoàng Hậu Độc Ác.

Gadot không chỉ nâng tầm nghệ thuật của bộ phim mà còn phản ánh nữ phản diện không còn bị giới hạn ở hình ảnh ác độc đơn giản mà có thể là những cá nhân mạnh mẽ, phức tạp, đại diện cho sự đấu tranh quyền lực.
Bảy chú lùn “chạy” bằng CGI
Một trong những quyết định táo bạo nhất của Disney là sử dụng công nghệ CGI để tái hiện bảy chú lùn thay vì diễn viên thật. Ban đầu, có tin đồn hãng cân nhắc casting diễn viên lùn như Peter Dinklage nhưng ý kiến từ chính Dinklage – người cho rằng motif “bảy chú lùn” đã lỗi thời – khiến Disney chuyển hướng.
Trong bản 1937, bảy chú lùn là những nhân vật hoạt hình đáng yêu với cá tính riêng. Tuy nhiên, phiên bản 2025 lại mất đi sự gần gũi và ấm áp. Từ đó, công chúng chia thành hai luồng ý kiến, một bên ủng hộ CGI vì sự kỳ diệu và nhất quán với phong cách live-action, bên còn lại tiếc nuối nét duyên dáng đặc trưng của các chú lùn, cho rằng họ giờ đây giống “nhân vật trò chơi điện tử” hơn là bạn đồng hành của Bạch Tuyết.

Quyết định này của Disney nhằm giữ tính kỳ ảo của câu chuyện và tránh những tranh cãi về cách miêu tả người lùn trong xã hội thực. Tuy nhiên, khi tính nhân văn bị thay bằng kỹ thuật số, vai trò của bảy chú lùn trong câu chuyện trở nên mờ nhạt, làm giảm sự kết nối cảm xúc với khán giả.
Andrew Burnap vai Hoàng Tử
Vai Hoàng Tử do Andrew Burnap thủ vai không gây nhiều chú ý trong chiến dịch quảng bá của Nàng Bạch Tuyết 2025. Trong phiên bản 1937 (Harry Stockwell lồng tiếng), Hoàng Tử là “ân nhân” cứu Bạch Tuyết bằng nụ hôn chân thành, đại diện cho motif “tình yêu đích thực” trong cổ tích.
Tuy nhiên, trong phiên bản mới nhất, Hoàng Tử không còn là người cứu rỗi, tái định nghĩa anh thành một đồng minh thay vì “người hùng” trong truyện cổ tích. Sự thay đổi nhấn mạnh thông điệp Bạch Tuyết tự cứu lấy mình, phù hợp với tư duy nữ quyền hiện đại.

Disney muốn tôn vinh sự tự lập của Bạch Tuyết, loại bỏ motif “tình yêu” truyền thống. Đây là một phản ánh rõ nét của xã hội hiện đại, nơi giá trị cá nhân và sức mạnh nội tại được đề cao hơn các khuôn mẫu lãng mạn cũ.
Tóm lại, câu chuyện xung quanh Zegler và Nàng Bạch Tuyết 2025 là một ví dụ điển hình cho xung đột giữa sáng tạo và truyền thống. Những lựa chọn này không chỉ định hình bộ phim mà còn phản ánh cách Disney nói riêng và xã hội nói chung, đang vật lộn để cân bằng giữa di sản và tiến bộ.
Nếu Bạch Tuyết và Hoàng Hậu thực sự là kẻ thù ngoài đời, có lẽ Disney sẽ phải đối mặt với một kịch bản mà họ không mong muốn, trở thành cuộc chiến chính trị thay vì là một câu chuyện cổ tích giải trí.